Chữ Nôm Dao là một di sản văn hóa quý báu gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Chữ viết của dân tộc Dao là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình Tiếng nói, chữ viết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo các văn bản còn lại cho thấy, chữ Nôm Dao thường được viết trên giấy dó, một số văn bản được viết trên vải hoặc khắc trên gỗ. Số lượng thư tịch cổ còn lại là các sách thiên văn, địa lý, kinh Phật, truyện cổ tích, thơ ca, sách cúng, gia phả… Sách chữ Nôm Dao được các gia đình người Dao lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, nhưng hiện tại số lượng người đọc được không nhiều. Những người hiểu được chữ Nôm Dao hiện tại đa phần là các thầy cúng hoặc bộ phận trí thức cao tuổi người Dao.
Các cuốn sách cổ bằng chữ viết Nôm Dao chứa đựng cả kho tàng tri thức của dân tộc được đúc rút qua nhiều thế hệ, phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao, phản ánh quan niệm của người Dao về vũ trụ, lý giải về các hiện tượng tự nhiên, ghi chép gia phả của từng dòng tộc, kể lại quá trình thiên di, tinh thần đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, răn dạy cách đối nhân xử thế, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần
Sách chữ Nôm Dao các thầy cúng sử dụng như một công cụ tâm linh, tuy nhiên kiến thức trong mỗi cuốn sách đó mang những giá trị riêng về lịch sử, văn hóa. Giá trị đầu tiên phải kể đến chính là chữ viết Nôm Dao.
Chữ “Nôm Dao” thoạt nhìn không khác gì hệ thống chữ Hán, nhưng đó là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Tức là người Dao mượn chữ Hán để ghi chép tiếng nói của mình.
Theo như nhiều người Dao kể lại, tổ tiên của họ từ xưa đã biết sử dụng chữ Nôm để ghi chép lại các văn tự quan trọng như chia tài sản của bố mẹ cho con cháu, văn tự mua, bán ruộng nương, nhận con nuôi, gia phả trong dòng họ, gia phả, bài cúng, bài thuốc, câu đối, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề, ghi chép các bài hát dân ca, Trường ca, truyện thơ, tập truyện, hát giao duyên “pả dung”…. Đặc biệt chữ viết của người Dao còn được dùng phổ biến trong các lễ hội như lễ cấp sắc, tết nhảy, cầu mùa, làm nhà và tục treo tranh.
Xưa kia, để bảo tồn chữ viết của dân tộc mình, các gia đình, dòng họ người Dao thường tổ chức truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu vào dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng là dịp để tuyên dương việc học chữ, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề và học làm người. Cộng đồng người Dao, cho đến nay, vẫn còn lưu giữ một quyển sách dùng để dạy những người bắt đầu học chữ người Dao, bằng tiếng Dao – Cuốn “Tam tự kinh” – sách học vỡ lòng của hệ thống giáo dục Nho giáo thời xưa ở Việt Nam.
Trong cách đọc Dao văn chương và Dao đời thường có sự gần gũi nhau, đối với những từ mà tiếng Dao không có, nó được sử dụng luôn làm tiếng Dao đời thường. Ở đây ngôn ngữ viết làm phong phú thêm vốn từ vựng của người Dao. Có nhiều chữ khác nhau nhưng có cách phát âm giống hoặc na ná nhau. Nếu không tinh thông về chữ, nghĩa, người nghe khó mà phân biệt được đâu là chữ thể hiện trong văn tự.
Bên cạnh ngôn ngữ Dao đời thường trong các văn bản Nôm Dao còn có một cách phiên âm ngôn ngữ thứ hai. Đó là ngôn ngữ Dao văn chương. Đây là những chữ Hán dạng phồn thể, được giữ nguyên tự dạng. Tầng lớp trí thức người Dao, qua các thế hệ, đã Dao hóa cách phát âm các chữ Hán, cho gần gũi với tiếng Dao và vẫn giữ nguyên gốc nghĩa của các từ trong sách này. Tất nhiên kết quả sử dụng chữ Hán để ghi tiếng Dao không hề giống với hệ thống Hán Việt. Tuy vậy, cách đọc chữ Hán của người Dao tạo nên hệ thống phiên âm, được đọc theo một cách hoàn toàn khác khác với tiếng Dao bình dân của lời ăn tiếng nói sử dụng trong cuộc sống thường ngày, nên các nhà nghiên cứu gọi đó là tiếng Dao trong văn chương.
Tuy khác biệt so với tiếng Dao đời thường, tiếng Dao văn chương cũng không giống cách đọc Hán – Việt của người Kinh, nó đã có một quá trình Dao hóa cách phát âm, cho gần với ngôn ngữ Dao đời thường hơn. Chỉ những người biết đọc, biết viết mới sử dụng được chứ không phổ biến như là chữ viết phổ thông của dân tộc. Có lẽ vì thế mà phạm vi sử dụng của chữ Nôm Dao là khá hạn chế.
Trong quá trình hình thành và phát triển, kho từ vựng của tiếng Nôm Dao đã được bổ sung các phương ngữ, ngôn ngữ của tộc người khác để đáp ứng nhu cầu biểu đạt. Trong quá trình giao lưu văn hóa, người Dao cũng tiếp nhận một số từ của Nôm Tày, Nôm Việt, nhưng được Dao hóa bởi lẽ có nhiều từ và khái niệm mà tiếng Dao không thể hiện hết được. Điều đó đã góp phần làm phong phú thêm vốn từ vựng cho ngôn ngữ Dao.
Chữ Nôm Dao là một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Những người nắm giữ loại hình di sản quý giá này trong cộng đồng người Dao cần được động viên, khuyến khích truyền bá những tri thức đang được lưu giữ bằng loại văn tự này cho các thế hệ kế tiếp nhằm tránh khỏi sự mai một, đồng thời khuyến khích con em dân tộc Dao yêu thích văn hóa của cha ông trong việc học tập, lưu giữ những tri thức do ông cha truyền lại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cần quan tâm, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ của người Dao làm cơ sở cho việc lưu giữ lâu dài và phát huy giá trị của di sản này.
Trước sự giao thoa giữa văn hoá truyền thống và văn hoá hiện đại, cùng với sự hội nhập mạnh mẽ của những cộng đồng văn hóa, chữ viết của một số dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, trong đó chữ viết của đồng bào dân tộc Dao thực sự đang chìm dần vào lãng quên, khi số lượng những người đọc được nó giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, trong khi họ phần lớn đều đã có tuổi, còn thế hệ trẻ thì bị lôi cuốn bởi quá nhiều giá trị tân thời và thiếu những định hướng bảo tồn chữ viết ông cha. Muốn khai mở tài sản văn hóa vô giá của dân tộc Dao, trước hết cần bảo tồn được “chìa khóa”, mà đó không gì khác, chính là chữ Nôm Dao.